image banner
Vẽ bức tranh biển đảo Việt Nam bằng công nghệ viễn thám

Vẽ bức tranh biển đảo Việt Nam bằng công nghệ viễn thám

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Xuân Lâm

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Xuân Lâm

Với việc hoàn thành Dự án giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám vào năm 2014, lần đầu tiên, Việt Nam đã “vẽ” nên được bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia. Điều đặc biệt là bức tranh này được “vẽ chi tiết” với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất nhờ vào một trong những công nghệ hiện đại nhất hiện nay – công nghệ viễn thám. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN&MT) chia sẻ:

 

- Dự án “Giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” là một trong những dự án thành phần nằm trong “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Dự án được Bộ TN&MT giao Cục Viễn thám quốc gia chủ trì thực hiện trong thời gian 3 năm, từ năm 2011 đến năm 2013.

Mục tiêu đề ra của dự án là xây dựng và hoàn thiện thiện hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển và hải đảo Việt Nam trên cơ sở sử dụng công nghệ viễn thám để phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 3 nhóm nhiệm vụ quan trọng. Đó là: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý đa thời gian cho toàn vùng biển và hải đảo bằng công nghệ viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên đề về tài nguyên - môi trường biển và hải đảo bằng công nghệ viễn thám; xây dựng hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển và hải đảo Việt Nam trên nền công nghệ viễn thám và địa tin học.
* Xin ông cho biết về những ưu thế vượt trội của công nghệ viễn thám so với các phương pháp truyền thống khác trong việc giám sát TN&MT biển, hải đảo?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lâm: Hiện nay vùng biển Việt Nam đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu, đo đạc bản đồ biển, khảo sát địa chất... nhưng chưa có công trình nào bao quát được toàn bộ bức tranh của vùng biển Việt Nam, đặc biệt trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ viễn thám với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống để điều tra cơ bản và giám sát tài nguyên môi trường vùng biển và hải đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng và hoàn toàn phù hợp.
So với các phương pháp truyền thống, công nghệ viễn thám có ưu điểm vượt trội về thông tin không gian rộng, đa thời gian, chính xác, khách quan, nhanh chóng. Trong một số trường hợp, đặc biệt là công tác giám sát tài nguyên - môi trường biển và hải đảo, viễn thám là công cụ duy nhất có hiệu quả. Với gần 3 triệu km2 các vùng biển và trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ, việc áp dụng công nghệ viễn thám và sử dụng nguồn dữ liệu viễn thám sẽ là giải pháp hữu hiệu để có được những thông tin cơ bản về tài nguyên - môi trường, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển.

Hình ảnh (thu nhỏ) bản đồ lớp phủ bề mặt dải ven biển và các đảo nổi

* Thưa ông, dự án được thực hiện hiệu quả có phần đóng góp lớn từ Đài thu ảnh viễn thám Trung ương mà Cục Viễn thám quốc gia được giao quản lý. Ông có thể cho biết cụ thể về những đóng góp này. Và từ đó có thể thấy, việc đầu tư Đài thu cũng như các cơ sở kỹ thuật công nghệ cao về viễn thám là một hướng đi đúng đắn?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lâm: Đúng vậy! Nhờ có nguồn tư liệu ảnh vệ tinh tức thời, đa thời gian của Đài thu ảnh viễn thám Trung ương mà các hạng mục thuộc Dự án giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám đã được hoàn thành đúng mục tiêu, thời hạn đặt ra.
Hầu hết các nội dung quan trọng của dự án đều khai thác tối đa nguồn tư liệu ảnh viễn thám thu được tại Đài thu.
Thành công của Dự án đã khẳng định hiệu quả đầu tư của Đài thu ảnh viễn thám Trung ương mà chính phủ Việt Nam đầu tư và giao cho Cục Viễn thám quốc gia quả lý, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao hiệu quả của “Dự án xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam”.
* Thưa ông, Dự án Diám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám là dự án mới và đòi hỏi trình độ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật rất cao. Bởi thế, tham gia dự án cũng là cơ hội để cán bộ chuyên môn được nâng cao trình độ nghiệp vụ?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lâm: Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng thành công hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám – một công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật, khoa học cao. Trong quá trình thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ kỹ thuật thực hiện dự án đã học hỏi, cập nhật thêm được những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cũng như những kinh nghiệm trong xử lý, phân tích ảnh, chiết xuất thông tin, số liệu về các yếu tố vật lý, hóa học, sinh vật và môi trường biển thông qua quá trình triển khai thi công, kế thừa và khai thác các nghiên cứu công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới. Thành công của dự án đã phần nào khẳng định được cán bộ ngành TN&MT hoàn toàn có thể học hỏi và làm chủ được công nghệ viễm thám.
* Việc hoàn thành xây dựng dự án giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám mới là thành công bước đầu. Tính hiệu quả của dự án phụ thuộc rất nhiều vào công tác vận hành hệ thống này trong tương lai. Vậy thưa ông, đến nay, Cục đã có những chuẩn bị gì cho công tác này?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lâm: Để vận hành hệ thống giám sát này một cách có hiệu quả, việc cập nhật thông tin, dữ liệu ảnh vệ tinh các loại là hết sức cần thiết nhằm phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin mang tính thời sự và giải quyết các vấn đề về quản lý Nhà nước cũng như bảo đản an ninh quốc phòng.
Để làm tốt công tác này, hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đã đưa ra một số đề xuất cụ thể như: Tập trung tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển, hải đảo Việt Nam nhằm phát huy vai trò của cộng nghệ viễ thám trong việc cập nhật định kỳ hằng năm đối với công tác điều tra thông tin cơ bản về tài nguyên – môi trường biển; Tiếp tục xây dựng các nhiệm vụ, dự án trong giai đoạn tiếp theo, trong đó, ưu tiên các nội dung: Cập nhật các dữ liệu sản phẩm ở mức độ chi tiết cao hơn cho các loại bản đồ tỉ lệ lớn 1/5.000 và 1/10.000 trên các đảo trọng điểm; thành lập hệ thống bình đồ ảnh số vệ tinh Modis tỷ lệ 1:1.000.000 toàn vùng biển đa thời gian; bình đồ ảnh Spot tỷ lệ 1:50.000 ven biển và tỷ lệ 1:25.000 các đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
* Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng.

Nguồn tin: monre.gov.vn

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0