image banner
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG ĐỐI TƯỢNG RONG SỤN TẠI CÁC CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN LỒNG BÈ TRÊN CÁC VỊNH THUỘC QUẦN ĐẢO CÁT BÀ Thử nghiệm nuôi trồng đối tượng rong sụn tại tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà

Hải Phòng là thành phố cảng biển có bờ biển dài trên 125 km, diện tích khoảng 4.000 km2 mặt biển, với trên 350 hòn đảo lớn, nhỏ (đảo Bạch Long Vỹ cách đất liền khoảng 130 km), 5 cửa sông lớn đổ ra biển, Hải phòng có diện tích 1.520 km2, thuận lợi trong công tác nuôi trồng thủy hải sản.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển của thành phố hiện nay được định hướng phát triển gồm nuôi trồng thủy sản lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và nuôi nhuyễn thể bãi triều trên địa bàn huyện Tiên Lãng. 

Phát triển nuôi trồng rong biển góp phần làm sạch nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ các chất độc hại xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người, hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương, đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh; ngoài ra còn mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cho nông ngư dân sản xuất thủy sản. Rong biển cũng được xác định là một trong các đối tượng nuôi biển quan trọng tại Kế hoạch số 11/2023/KH-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Rong sụn có tên khoa học là  Kappaphycus alvarezii, có nguồn gốc từ vùng biển Đông Nam Á, được du nhập và trồng phổ biến ở Việt Nam và một số quốc gia nhiệt đới khác. Rong sụn là nguyên liệu chính để chiết xuất carrageenan – một chất keo được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm (làm chất làm đặc, ổn định), mỹ phẩm, dược phẩm và công nghiệp sinh học.

Chương trình “Blue Ocean – Bluefoods”: Xây dựng bể chứa cacbon ngành thủy sản, do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng Cục Thủy sản ra mắt vào tháng 7 năm 2024 với mục tiêu trồng ít nhất 1.000 ha rong biển trong 3 năm đầu. Nằm trong các nội dung thực hiện chương trình và chỉ đạo của Cục Thủy sản, tháng 10/2024, Trung tâm ICAFIS, Công ty TNHH Japifoods, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Hải đã khảo sát, lựa chọn địa điểm trồng thí điểm giống rong biển (rong sụn) tại Hải Phòng. 

Ngày 17/5/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đã phối hợp với Cục Thủy Sản và Kiểm ngư, Trung tâm ICAFIS, Công ty TNHH Japifoods và Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải thực hiện lễ xuống rong sụn tại Cát Bà.

Trung tâm ICAFIS giới thiệu về chương trình tại Cát Bà ngày 17/05/2025

Tại buổi Lễ, Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và kiểm ngư đã phát biểu của về vai trò, ý nghĩa của ngành nuôi trồng thủy sản, hoạt động nuôi biển cũng như kỳ vọng với đối tượng rong biển. Việc phát triển nuôi trồng rong biển (rong sụn) tại Hải Phòng giúp bà con ngư dân đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, cải thiện sinh kế đồng thời làm sạch môi trường nuôi xung quanh.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư phát biểu tại buổi Lễ

Chương trình đã lựa chọn, hỗ trợ nguồn giống đối với 30 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè tại khu vực Hang Vẹm - Vụng O trên vịnh Cát Bà với số lượng 300 kg giống rong sụn (10kg/cơ sở), đồng thời cử các chuyên gia, cán bộ chuyên môn hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật thả giống rong, nuôi trồng và chăn sóc rong sụn nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của đối tượng này trên vùng biển Cát Bà.

Đại diện các cơ sở nuôi trồng thủy sản tiếp nhận nguồn giống rong sụn hỗ trợ trồng thử nghiệm từ Chương trình

Hoạt động xuống giống rong biển (rong sụn) tại Cát Bà không chỉ giúp cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn thành phố có thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần tận dụng tiềm năng, diện tích nuôi biển trên địa bàn thành phố đồng thời cải thiện môi trường nước khu vực nuôi trồng thủy sản xung quanh, bổ sung một nguồn thực phẩm quý giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố cũng như khách tham quan, du lịch; tạo thêm hướng sinh kế mới cho người nuôi trồng thủy sản. 

Các chuyên gia hướng dẫn trực tiếp cơ sở kỹ thuật nuôi trồng rong sụn

Hoạt động xuống giống rong sụn tại cơ sở nuôi trồng thủy sản

Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng tiếp tục cử cán bộ phối hợp cùng Chương trình để theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của loài rong sụn trên vùng biển Cát Bà.

                Phòng Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y

Admin
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0